Bắc Kinh: đi để quên, quên để nhớ

Một góc đại học Nhân Dân

Ngày thứ 3 ở Bắc Kinh sau kì nghỉ Tết rồi.

Mọi việc đều tốt đẹp, trừ việc cơ thể có vẻ chưa thích nghi được ngay. Hôm đến Bắc Kinh, không hiểu sao đầu đau như búa bổ, thế là đi ngủ sớm, và tỉnh dậy lúc gần 2h sáng, cổ họng khô rát, thời tiết ở đây khô kinh khủng! Pha cốc nước chanh uống và xem Doraemon đến khoảng 3h thì đi ngủ tiếp đến sáng. Hôm nay thì có dấu hiệu đau bụng. Tạm thời thì không có bệnh gì, ngoài bệnh đói.

Thực ra mọi việc tốt đẹp cũng không đúng lắm. Đơn cử như cái luận văn, sắp phải nộp bản thảo cho thầy, mà hiện giờ còn chưa viết được chữ nào, mọi ý tưởng cứ rối tinh rối mù lên trong não. Sát ngày lắm rồi, trong nay mai phải viết cho kịp (nếu nghĩ ra cái gì để viết). Chỉ cần thoát khỏi lần kaiti này, cuộc đời sẽ trở nên tươi đẹp (mặc dù là tạm thời thôi).

À mà quay trở lại với cái tiêu đề, kẻo bạn đọc lại nghĩ văn mình lệch lạc. Hiện giờ, và có thể trong vài năm tới, mình sẽ sống thường xuyên ở Bắc Kinh, thỉnh thoảng mới về nhà. Sang Bắc Kinh thì phải tạm quên đi nhiều thứ ở nhà, tạm quên những quán cà phê đủ kiểu, những quán ăn nho nhỏ ven đường, tạm quên căn phòng bừa bộn với 2 cái giá sách của mình, tạm quên lớp thư pháp ở một bên chái đền Đồng Cổ. Tất nhiên, là cũng phải tạm xa các bạn bè trong nước nữa, tạm xa gia đình nữa.

Mình không phải người hay nhớ nhà, mặc dù nói thật là từ bé chả khi nào xa nhà. Trước khi đi du học, lần xa nhà lâu nhất của mình là gần 1 tháng  ở Quảng Châu thôi, mà đó là lần duy nhất xa nhà lâu, còn lại giỏi lắm là 2-3 ngày (mà 2-3 ngày đó là ở nhà các chú các bác). Mình chỉ nhớ nhà khi nào gần về thôi, nói đúng hơn là mong đến ngày về, và không phải chỉ vì nhớ nhà mà mong về, mình nhớ những thứ phải tạm quên trong thời gian ở đây.

Sang bên này là cuộc sống khác, với những bạn bè khác, hàng quán khác, chỗ ở khác (gọn gàng hơn ở nhà, vì ở đây hay bất ngờ có khách và dễ bị phê bình). Bên này tự do, vì không có bố mẹ quản lí, nhưng cũng chẳng thể lượn lờ phố xá như ở nhà. Bên này là nơi phải nhớ đến bài tập, luận văn và khoa học. Còn hiện tại nếu ở nhà thì chỉ nhớ chuyện đi chơi với xem phim thôi. Đấy, nếu không tạm quên, thì làm sao mà tập trung vào được những thứ ở bên này? Cả chuyện ăn uống cũng khác ở nhà nữa.

Thôi, bốc phét thế đủ rồi, lại lên gân để đối diện với cái luận văn và 3 tháng lủi thủi trong kí túc xá thôi! Hẹn gặp lại Hà Nội vào mùa hè nóng kinh tởm không ngủ nổi và muỗi nhiều như quân Nguyên.

Điều gì tạo nên một đô thị văn minh?

Trước khi nói về vấn đề này, tất nhiên là phải có một định nghĩa về “văn minh”. Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên, từ “văn minh” có một vài nghĩa, nhưng nét nghĩa chúng ta cần ở đây là:

Có những đặc trưng của văn minh, của nền văn hóa phát triển cao. Một xã hội văn minh. Nếp sống văn minh.

Đến đây thì lại rắc rối rồi. Đặc trưng nào là của văn minh? Nền văn hóa nào là phát triển cao? Tôi không phải nhà nghiên cứu văn hóa (và bài này cũng không phải bài nghiên cứu văn hóa), nên rất khó làm rõ vấn đề này, vậy thì chỉ xin phép đem một tiêu chí ra để so sánh, đó là: người ta phải được sống một cách dễ chịu, và tự giác biết tôn trọng người khác.

Du lịch Hà Nội - nguồn: Hà Nội mới

Vậy cái gì tạo nên những thứ đó? Kinh tế ư? Các thành phố lớn của châu Âu chắc là văn minh, không ai phủ nhận điều đó. Kinh tế của họ rất phát triển. Phúc lợi xã hội của các nước Bắc Âu rất lớn. Tài trợ giáo dục của nước Anh rất tốt. Và tất nhiên là mọi dịch vụ của họ đều làm hài lòng khách hàng, từ chất lượng sản phẩm đến những chuyện nhỏ nhặt hơn như thái độ ứng xử của nhân viên dịch vụ, thậm chí đến cái nhà vệ sinh trong mỗi một cửa hàng cũng đều sáng bóng. Ai muốn vào một cái nhà vệ sinh nhem nhuốc bẩn thỉu chứ?

Ở nước ta, nhà vệ sinh ở các quán xá không được sáng bóng thế (đó là tôi nói một cách lịch sự là vậy!). Vài nhà hàng lớn có nhà vệ sinh sạch sẽ, mặc dù có thể không được đầu tư kĩ càng như châu Âu. Vậy có thể là do kinh tế. Bạn thử xem, một quán bán phở con con và Phở 24, chỗ nào có nhà vệ sinh sạch hơn? Và vì sao lại thế? Vì Phở 24 đầu tư nhiều hơn, nên có cái nhà vệ sinh sạch hơn. Kèm theo đó là thái độ phục vụ chuyên nghiệp hơn (còn chưa chắc đã lịch sự hơn), bàn ghế đẹp hơn, nhân viên biết tiếng Anh, cái thực đơn được thiết kế đẹp hơn… Vậy là nguyên nhân kinh tế cũng có đấy chứ!

Đôi khi cũng vì lợi ích kinh tế mà người ta trở nên lịch sự, nhã nhặn hơn với những người khác (cụ thể là với khách hàng của mình). Không tin hả? Mời bạn dừng xe đạp xe máy ở bất kì quán karaoke nào, hoặc nhà hàng nào, bạn sẽ được nhân viên chạy ra tận nơi, hỏi “anh chị có mấy người ạ?”, “anh chị cứ để xe đấy bọn em dắt vào cho ạ”, đến lúc no say ra về, bạn sẽ lại được hỏi “anh chị đi xe nào để em lấy ạ?”, “anh chị đi về phía nào để em quay xe ạ?” Lịch sự hơn nữa, họ sẽ tươi cười và nói “mời anh chị lần sau lại đến ạ!” Và sau đó, bạn hãy đến một cơ quan công quyền, một trường đại học nào đó, vào bãi gửi xe, xem có ai nói với bạn từng đấy lời ngọt ngào bùi tai dễ chịu không, hay là mặt lạnh tanh và bảo “đi đâu?”, “để xe ra kia đi!”, “mấy giờ lấy xe? lấy sớm sớm chứ không ai hầu được đâu nhé!”…

Nhưng mà nghĩ kĩ ra thì cũng chẳng phải như thế! Ở Thái Lan, mạng 3G có khi chưa bằng Việt Nam, kinh tế đang thụt lùi vì những cuộc biểu tình và rắc rối chính trị. Nhưng nghe những người đi Thái Lan về nói, người dân tự giác dừng xe nhường đường cho luồng xe khác, họ luôn mỉm cười với tất cả mọi người, họ cảm ơn mọi lúc mọi nơi. Ở Việt Nam thì sao? Ai sẽ nhường ai trên đường? Thôi được, cứ cho Thái Lan dù sao họ cũng có cơ sở kinh tế đi, ta so với Lào vậy! Lại nghe những người đi Viên-chăn về nói, đường phố rất trật tự, người dân rất tự giác, nhường nhịn nhau. Chắc các bạn không định bảo kinh tế Lào mạnh hơn kinh tế Việt Nam chứ?

Thêm một so sánh khác, Bắc Kinh là thành phố phát triển, đô thị hiện đại. Hạ tầng của Bắc Kinh có thể so sánh với những thành phố lớn trên thế giới. Nhưng thế không có nghĩa là người Bắc Kinh sẽ đi đúng đèn xanh đèn đỏ, sẽ không cãi nhau ầm ĩ chỉ vì một va quệt nhỏ. Có lẽ người Hội An của chúng ta ít để xảy ra những chuyện như thế hơn! Lí do gì ngoài kinh tế quyết định một đô thị văn minh? Có thể là văn hóa truyền thống, có thể là do tuyên truyền giáo dục của chính quyền cũng nên. Nếu mọi người ở trong một môi trường văn hóa, thì tự khắc con người cũng phải thay đổi theo, nếu người ta thấy mình được tôn trọng, họ cũng sẽ thấy có trách nhiệm cần tôn trọng người khác. Họ sẽ phải cảm thấy lạc lõng khi có những hành động không theo phép tắc. Giả sử như ai cũng đi qua đường trên cầu đi bộ, và ai cũng liếc xéo những người tự ý băng qua đường, thì rõ ràng dù là người mới gia nhập đời sống đô thị cũng sẽ hiểu họ cần tuân theo phép tắc (cái “giả sử” này không xảy ra ở Hà Nội!).

Ấy mà nói đến Hà Nội, thì tôi còn thêm một thắc mắc nữa, là tại sao ở những chỗ được coi là biểu tượng văn hóa của thủ đô, của cả nước, những người làm việc ở đó vẫn… vô văn hóa? Chỗ nào hả? Chỗ Văn Miếu! Vô văn hóa không chỉ biểu hiện ở chỗ gửi xe hạch sách khách tham quan, mà còn ở nhiều chỗ khác. Một đại học của Trung Quốc cũng biết cần phải bán đồ lưu niệm của trường, để quảng bá hình ảnh trường mình. Thế mà ở Văn Miếu họ bán đồ lưu niệm của… Trung Quốc, còn dám nói dối là của Việt Nam. Cái đó, không phải là sự vô văn hóa ở bề ngoài nữa (vì những người bán hàng vẫn rất nhã nhặn), mà là vô văn hóa một cách “sâu sắc”, “chuyên nghiệp” và “lâu bền”. Sự vô văn hóa đó, có lẽ bắt đầu từ sự vô trách nhiệm và thiếu suy nghĩ của ban quản lí di tích. Từ trên xuống, đều thiếu văn hóa, thì làm sao khách tham quan có thể coi đấy là một nơi linh thiêng, cần phải “đi nhẹ nói khẽ cười duyên không xả rác” được?

Thuận Thành lần 2

Về Thuận Thành thẩm tra bổ sung lí lịch Đảng cho cu Thành. Lần này mà Đảng ủy còn ý kiến này nọ nữa, mình sẽ mang dao lên đại sứ quán nói chuyện vui!

Đi xe 204 về Hà Nội sau bữa rượu, rượu thì tỉnh rồi, nhưng vì không được nghỉ trưa nên cũng hơi mệt, may mà lên bến đầu tiên nên có chỗ ngồi đàng hoàng. Người đi xe bus đường dài một mình thì có thú vui gì? Không có máy nghe nhạc, ngồi ghế đơn cũng chẳng nói chuyện với ai, mà bình thường thì mình cũng chẳng hay bắt chuyện với người lạ trên xe bus (nhóm máu A, thế giới nội tâm như căn phòng có vài lần khóa, một lần quét vân tay, 3 lần cửa chống trộm, 1 lần kính chống đạn). Thú vui của mình là hóng hớt chuyện người khác. Hôm nay ngồi đằng sau mình là mấy cô công nhân “thổ dân” Bắc Ninh, mới quen nhau trên xe thôi mà nói chuyện líu ríu tíu tít lắm, một cô nói liến thoắng: “quê iem ở Bắc “Linh”, nàm ở Phố “Lối”, nàm nhà lước, nương cao nắm…”

Qua câu chuyện được biết, cô “Bắc Linh” ấy chắc là sinh năm 85, có anh chồng chính là cấp trên sinh năm 84, vừa vào làm thì yêu nhau luôn rồi cưới nhau, một năm rồi, chưa có con. Nghe cô nói thì anh chồng là người hiền lành, tuổi chuột nhưng là “chuột đất”, bao nhiêu lương thưởng về nộp vợ. Thỉnh thoảng cao hứng dẫn vợ đi ăn hàng một bữa. Cô này thu nhập khoảng 2-3 triệu một tháng, anh chồng chắc là hơn, ở dưới đó như vậy coi như đủ nuôi bố mẹ (“nương cao nắm” mà!). Nghe giọng cô công nhân có vẻ tự hào về chồng lắm.

Chợt nghĩ, mình học đại học chính quy, rồi học cao học nước ngoài về, sau này chắc công việc sẽ nhàn nhã hơn vợ chồng cô công nhân kia, thu nhập sẽ cao hơn họ nữa, nhưng liệu có hạnh phúc được hơn họ không nhỉ? Người ta có vẻ như chẳng cần có nhiều tiền hơn hiện tại, cô ấy thấy chồng thật thà hiền lành là vui, thỉnh thoảng đi ăn hàng một bữa là giàu, đơn giản có vậy thôi. Ở nhà máy, anh chồng là “sếp”, về nhà, cô vợ là “sếp”, mình nghĩ họ chẳng bao giờ đem cái chức vị ở nhà máy về nhà, mà có lẽ cũng chẳng đem những bực tức ở nhà máy về nhà làm gì.

Hạnh phúc rất đơn giản. Sống đơn giản rất hạnh phúc.

Những dòng suy nghĩ chật chội cho ngày về

1. Chuyến bay của hãng “delay airlines” đến chậm 1 tiếng rưỡi. Nửa đêm ra khỏi cái sân bay Nội Bài bé nhỏ và mong manh, bên ngoài là 12 độ, trăng bán nguyệt vẫn sáng vằng vặc vì trời quang mây, không lạnh tí nào cả.

2. Lục khắp nơi xem cái quyển sổ ghi chép cũ của mình đâu. Không thấy. Chắc là được gửi nhờ ở hàng đồng nát rồi. Tuy có blog, facebook, renren và viết bài ở nhiều chỗ khác nữa, nhưng mình không bỏ được thói quen viết tay. Mấy ngày không được viết tay là thấy bứt rứt khó chịu. Đành tìm tạm một cuốn vở cũ ra viết vậy.

3. Blog, chưa bao giờ là nơi mà người ta có thể thành thực nhất với lòng mình. Blog là để cho mọi người xem, mà chỉ cần để cho người khác nhìn thôi, là những dòng viết ra sẽ có “tạp niệm”. Đó là lí do mình viết tay, vào một cuốn sổ. Nhật ký không phải là nơi tô vẽ văn chương, chỉ đơn giản là nơi viết những suy nghĩ thật của mình. Trong blog, không phải là những suy nghĩ giả dối, có điều, nó không bao giờ đầy đủ cả. Người ta ai chẳng có một chút bí mật. Có những bí mật của mình mà nếu nói ra thì có thể sẽ gây ra chiến tranh thế giới thứ 3 mất! Những thứ đó không phải là những thứ có thể tung bừa lên mạng được.

4. Vì chúng ta không thể biết đích xác ngày mai trời sẽ mưa hay nắng, nên chúng ta mới biết trân trọng hôm nay và chờ đợi ngày mai. Đúng ra thì có một câu chuyện nho nhỏ để dẫn đến câu kết luận bên trên đấy, nhưng vì chuyện đó có thể sẽ gây ra đại chiến thế giới lần 3, cho nên đành phải bí mật thôi.

5. Gặp một cô gái xinh đẹp thì cũng hay đấy. Nhưng rất tiếc là có một lượng không ít những cô mình gặp đều phải khiến mình nói ra một câu: “Em nên bớt cái thời gian xem phim nghe nhạc nhảm nhí của em đi mà đọc thêm dăm quyển sách, chứ anh thấy em vừa văn hóa lùn, vừa kém tiếng mẹ đẻ!” Gái đẹp, chỉ để ngắm, chả thái ra mà ăn được đâu!

6. Hết thứ để viết cho mục số 6. này rồi…

Nhớ nhà, nhớ nhất những ngày xuân

bếp bánh chưng

Sáng ngủ dậy, bắt đầu soạn ra những quyển sách chắc chắn phải mang về nước, để đến lúc đóng đồ đỡ quên sót cái gì. Mấy quyển Jimmy toàn in giấy đẹp, mỏng mà nặng trịch, phải cho riêng vào túi, nếu hành lý quá cân thì bỏ ra. Mấy quyển sách thư pháp khá là to, may mà không nặng. Soạn xong chợt nhớ ra là còn tới 1 tuần nữa cơ. Trời ở nhà vẫn còn rét đậm, nghe đâu hoa đào lo không nở đúng vụ. Qua mùng 8 tháng Chạp mà chưa hết rét đậm thì năm nay đào mất mùa, người trồng đào bảo thế.

Còn phải mua vài thứ nữa cho Tết. Mua một ít thuốc, một ít trà, 2 bao thuốc lá mang về để thắp hương, coi như “bằng chứng” để báo cáo với tổ tiên là cháu đã về! Sắp ông Công ông Táo rồi, thực tình là mình chẳng ấn tượng gì lắm với ngày này, nhà mình năm nào cũng mua ít vàng mã về đốt, không nhớ có năm nào mua cá chép xịn về thả không hay chỉ toàn cá chép giấy. Ngẫm ra cũng kì lạ, ông Táo bay lên trời chứ có lao xuống biển đâu mà đi cưỡi cá chép nhỉ? Cứ cho là cá chép hóa rồng bay lên trời đi, thì đâu phải chú nào cũng “hóa” được? Chung quy là tại nước ta lắm sông ngòi ao hồ quá, nhiều tập tục gắn liền với nước rồi, cho nên “văn hóa nước” ảnh hưởng đến nhiều thứ mà vốn dĩ không liên quan gì đến nước cả.

Qua ông Công ông Táo mới là bận rộn. Bố đi kiếm một cây quất hoặc cây đào, mình thì thích đào hơn, nhưng mà bố thì hay mua quất hơn. Thôi đợi khi nào mình được toàn quyền quyết định chuyện “chính sự” trong nhà thì mình sẽ năng mua đào vậy! Mua về rồi hai bố con sẽ hì hục nhổ cây quất cũ đi, trồng cây mới vào chậu, rồi hì hục khuân vào nhà, đặt ngay ngắn, trang trí cho nó một chút.

Xong vụ đào quất, bắt đầu là dọn dẹp nhà cửa. Nhà mình không thuộc dạng gọn gàng ngăn nắp cho lắm, đồ đạc hơi bày bừa. Tết đến thì cũng phải dọn dẹp một tí để khách khứa còn đến, và quan trọng nhất là để đầu năm thấy cái nhà nó đẹp một chút. Chao ôi sẽ là lắm đồ đạc cần phải giải tán. Rồi thì phải lau sạch sẽ sàn nhà, cửa sổ, cửa ra vào, tay vịn cầu thang, đồ gỗ trong nhà, lau tường bếp. Tay vịn cầu thang có hơi bạc màu rồi thì lo mà đánh lại véc-ni. Cửa sắt tróc sơn rồi thì sơn lại. Riêng có cái ban thờ là bố quản lí, mình chưa đủ quyền hành và năng lực để dọn dẹp.

Tết thì phải chuẩn bị thực phẩm, vừa để làm mâm cơm cúng vừa để ăn uống nhậu nhẹt. Mà trong số thức ăn ngày Tết, không bao giờ có thể thiếu bánh chưng. Thử tưởng tượng nhà nào đó (không đến nỗi quá nghèo) không có bánh chưng ngày Tết xem, thì chắc là được đăng lên báo. Mẹ chê bánh chưng bên ngoài gói không vệ sinh, nên cứ tự mua lá dong, gạo, đỗ, thịt lợn về gói lấy. Bánh chưng gói “tay bo” mới dễ bóc, gói khuôn vừa lỏng bánh vừa khó bóc. Năm ngoái mình cũng lấy gạo khô ra tập gói rồi đấy, mà chưa gói được ra cái hình thù gì. Mấy nhà luộc chung một nồi bánh, nhà mình mượn bà cụ cái bếp than to, nhà bà cụ gửi bánh sang luộc nhờ, vậy là kinh tế nhất! Đằng nào luộc bánh chưng cũng phải có nồi to, mà nhiều quá thì một nhà ăn không hết nổi. Ngày xưa Lang Liêu gói bánh dâng vua, xong còn chia chác cho các quan lang, các mệ nàng, lạc hầu lạc tướng nên mới phải luộc nồi to như thế chứ, nhà mình ăn vạ vật 2 bữa chả hết 1 cái thì cần gì.

Giao thừa, chưa bao giờ nhà mình có “phong tục” đi bon chen ra đường vào lúc này cả. Giao thừa là lúc thắp hương mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, tiễn các quan của năm cũ về trời báo cáo tổng kết cuối năm nhận tiền thưởng. Mình thì ở nhà giúp 2 cụ làm cơm cúng, tiện thể xem táo quân, năm nào cũng thế, từ khi mình bê được cái bát đến giờ. Có lẽ cả sau này nữa, mình cũng không thấy có lí do gì để ra ngoài đường đêm giao thừa (và vào bất kì dịp gì có nguy cơ tắc đường). Cúng xong rồi thì khai bút, ngày xưa thì làm bài tập toán gì đó, bây giờ thì lấy bút lông ra mà phang, tiện thể “khai blog” năm mới lấy may, cầu giời cho lượng view tăng đều!

Mùng Một Tết là ngày trọng đại ghê gớm, nhất thiết là phải lên chùa, rồi sau đó đi về bà ngoại. Thường thì người ta chọn hướng xuất hành, nhưng đi cúng lễ thì không cần lắm. Chỉ có năm vừa rồi chắc hướng xuất hành xấu quá nên 2 cụ mới chuyển hướng đi chùa khác thôi, chứ mọi năm đều đi chùa Láng cả. Chùa đông lắm là đông, các cụ vào chùa thì thành tâm bái quan bái Phật, tất bật dọn lễ này nọ, chứ mình thì… Ừ thì cũng có bái đấy, mà lúc bái cũng không dám láo lếu gì đâu, có điều bái xong thì bắt đầu đi tia một vòng xem em nào chân dài, em nào da trắng, em nào mũi cao, em nào mắt to… Về bên bà ngoại rồi có khi lại ra tiếp đình Bắc Biên (thờ Lý Thường Kiệt – là thành hoàng làng Bắc Biên), tất nhiên ở đình Bắc Biên cũng không thiếu… gái để ngắm. Ông Lý Thường Kiệt vốn là thái giám chắc chả ngắm nghía gì bao giờ, để đấy cũng phí đi, thôi mình đi ngắm hộ!

Mấy ngày tiếp theo là tương đối tự do di chuyển, đi thăm họ hàng, gặp nhà nào có cỗ là… nhảy vào thôi. Ngày Tết ngày nhất, nhà nào mà chả có cỗ nhỉ? Rồi thì bắt đầu đi tụ tập bạn bè, quan trọng nhất là ra Văn Miếu xem cảnh bon chen xin chữ nháo nhào hàng chợ. Ôi thôi thì đủ các giống “đồ”, bao gồm cả đồ cho chữ, đồ xôi, đồ hàng mã và đồ tể. Các trò vui cũng chẳng thiếu, nào là đánh cơ người, nào là hát chèo hát ca trù. Mà đến Văn Miếu cũng đủ các loại người, nhiều nhất có lẽ là học sinh lớp 12 đi xì xụp khấn bái lấy may đầu năm, mong thi đỗ vào trường đại học nào đó, rồi hí hửng đi xin lấy con chữ về treo. Kể ra thì ra Văn Miếu nhìn mấy em 17, 18 tuổi hơ hớ xuân xanh đi xin chữ cũng là một cái thú vui tao nhã! Nhất là cái bàn cho chữ của thầy Tiểu Hạng ấy, các em bu vào cứ gọi là đông thôi rồi!

Mấy ngày sau đó, còn bạn bè nào chưa tụ tập thì tụ tập nốt. Còn thứ gì trong tủ lạnh chưa ăn thì ăn nốt. Sau đó thì lại xách va li lên đường, chuẩn bị kì học mới, bâng khuâng thẫn thờ vài giây rồi ù té chạy sang Bắc Kinh này. Mỗi lần về nhà là lại háo hức xem ở nhà có gì mới không, còn mỗi lần quay lại Bắc Kinh là một lần trở lại với cái máng lợn cũ, không đào quất, không Tết nhất, một chồng sách, một cái máy tính và một đống những thứ lằng nhằng mà người đời gọi là “học thuật”http://static.mp3.zing.vn/skins/default/flash/player/mp3Player_skin7.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog/?Zi8wYy9mMGM5MTQ2OWE3MGZhZDk2Nzk4ZGQ5YmQ4N2U1NzEyOS5cUIbaBmUsICDN8Q2hp4WeBdUngBdSBQaOG7pyBUw6J5IEjhdUng5N8TMOqIER1WeBmd8dHJ1ZXwx

Đầu năm

Trước khi viết bài này, mình cũng không biết là sẽ viết cái gì nữa. Có nghĩa là, hiện giờ mình không biết đoạn văn tiếp theo sẽ là gì, đầu nghĩ ra đến đâu thì viết đến đấy vậy.

1. Tại sao lại lấy cái tiêu đề là “Đầu năm”? Mình chưa định hình bài viết, nên cũng không phải là căn cứ vào nội dung. Đơn giản vì bài trước có tiêu đề là… “cuối năm”. Cuối năm 2010, bây giờ là đầu năm 2011. Còn lí do tại sao lại viết bài này ư? Vì đang làm bài tập mà bế tắc quá, đành chuyển hướng hoạt động một chút. Vì hiện tại tâm trạng phức tạp nên muốn viết ra để giải tỏa, dù vui hay buồn thì chia sẻ được cho mọi người cũng tốt. Tại sao lại không biết là sẽ viết gì ư? Tại vì quả thật là không biết! Suy nghĩ của mình thành một mớ hỗn độn rồi, đành tùy vậy, cái gì hiện ra trước thì viết trước, nếu nhiều thứ hiện ra đồng thời thì chọn hú họa lấy một cái để viết trước.

2. Cái gì hiện ra bây giờ? Phim Thủy Hử mới. Hiện tại thì nó chưa được chiếu trên các đài, có điều trên mạng đã chia sẻ đến tập 30 rồi. Các trang phim trên mạng lập tức gỡ đường link chia sẻ xuống, vì đây là hành động phi pháp trắng trợn, tuy nhiên chia sẻ kiểu P2P thì chả ai cấm được. 30 tập phim, down mất khoảng 1 tiếng đồng hồ là xong, và giờ thì đang thưởng thức. Cái phim Thủy Hử này, bộ nào cũng thế, đoạn đầu mình sẽ xem lướt qua, toàn là những chuyện đau khổ, toàn là tham quan đắc ý, anh hùng chịu thiệt. Xem Thủy Hử, là lại thấy nhiệt huyết muốn làm hảo hán trỗi dậy (và rồi nhớ ra thân phận học trò dài lưng tốn vải của mình, đành ngồi xuống ngậm ngùi xem tiếp). Nói thật, bản mới này cho tới thời điểm hiện tại chưa thấy hơn gì bản cũ, nghệ thuật thể hiện, hóa trang nhân vật, nhạc nền… tất cả đều hao hao bản cũ.

3. Cái gì tiếp theo nhỉ? Mùa lạnh, mây mù, không có tuyết. Chán thế chứ! Tuyết là thứ duy nhất vui vẻ trong cái mùa đông lạnh giá này. Mà mình thì đang nhớ phát điên cái rét ngọt của Hà Nội. Nhớ cái mùa mưa phùn gió bấc, đi đâu cũng phải mang theo ô vì sợ dính mưa bất chợt. Nhớ mùi mưa ẩm trong không khí, mùi của lạnh và vắng vẻ. Nhớ mùi hương trầm lẫn trong mùi mưa ẩm ấy, mùi hương trầm lại gợi đến tiếng chuông tiếng mõ, tiếng hát ca trù. Bên này ở trong phòng không lạnh, ra ngoài thì lạnh lắm, nhưng mà mình nhất quyết không gọi cái lạnh ở đây là “rét mướt” được. Lại thèm được co ro trong chăn ấm mà nhìn bên ngoài trời xám ngắt, mưa lâm thâm.

4. Không sợ không viết được bài tập, chỉ sợ không nghĩ ra cái gì để viết. Nếu nghĩ ra cái để viết rồi thì cần 1 ngày là xong, nhưng vấn đề là… chưa nghĩ ra. Thế nên không biết bao giờ mới xong bài. Còn 2 tuần nữa là về rồi, phải nộp bài trước khi về mới kịp. Ừ, còn 2 tuần nữa thôi nhỉ? Nhanh lắm đấy. Về mà đợi mà chờ năm mới. Năm mới liệu có gì mới không đây? Chẳng biết, nhưng năm nào mình cũng hi vọng sẽ có những điều mới mẻ chờ đợi mình. Có những việc, mình hơi kì vọng quá, đến lúc nó không đến lại thấy hẫng. Nhưng dù sao vẫn cứ hi vọng…

Tự nhiên thầy thèm được ôm ai đó cho đỡ lạnh quá!

Âm u

Mấy hôm nay trời chuyển gió lạnh, từ cái hôm làm trại đến giờ nhiệt độ xuống thấp. Hôm trước còn có mưa phùn, tới hôm nay mà trời vẫn u ám. Trời u ám thì người cũng mệt mỏi theo thôi.

Tiết trời thế này, lại thêm mưa phùn, thì phải có thêm chút không khí tất bật, mà như thế thì thành ra Tết mật rồi. Đêm giao thừa năm nào mưa phùn gió bấc, trời rét buốt, mà cúng giao thừa thì cứ phải bày ngoài sân, lạnh cắt da cắt thịt. Nhà mình không có “phong tục” ra ngoài đường vào lúc giao thừa. Bây giờ nhiều người ra đường chơi, giống như dân Mỹ đổ ra quảng trường Thời Đại đợi thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới. Mình không đi chơi, một là vì nhà còn nhiều việc, nào là vớt bánh chưng, cỗ cúng giao thừa, cỗ cũng mùng một, nào là dọn nhà, trang trí đào quất, rồi thì chuẩn bị quần áo để mùng một đi chùa và về bà ngoại. Hai là vì… không thích. Giao thừa là lúc cần yên tĩnh, đối với mình là thế. À mà còn ở nhà xem táo quân nữa chứ!

Có lẽ cũng vì thế, mà mình thích xem chương trình giao thừa của VTV hơn là 春晚 (chương trình đại nhạc hội đêm giao thừa của Trung Quốc) trên CCTV. Nó hoành tráng quá, rực rỡ quá, phô trương quá, mình không thích. VTV nhà mình hay kể lại những phong tục Tết nhất xưa cũ, đến một không gian “thuần Việt” với nồi bánh chưng, hay vào một căn nhà sàn trên miền cao, ở những nơi đó lặng lẽ và bình yên, đủ để người ta suy nghĩ về một năm đã qua. Mà thời tiết cũng như hôm nay, lạnh lạnh âm u (hôm nay trời hanh, không có mưa phùn nữa).

Chỉ trách ở đây lạnh sớm quá, cuối hè đã như cuối thu bên mình, mà bên nhà mình đang chớm giao mùa thì bên này đã mưa phùn gió bấc như ngày Tết. Trời này, nhớ Tết, nhớ nhà lắm…

Gió秋风瑟瑟

HNHai hôm nay lại gió, gió to lắm, từ tối qua đến sáng nay vẫn nghe tiếng gió hú ngoài cửa sổ. Trời thì nắng, khô hanh, lạnh, tay chân cứ lạnh toát. Ấy thế mà ra đường đi lại một lát thì lại nóng. Chẳng biết nên mặc thế nào ra đường nữa.

Bắc Kinh sang đến giữa thu là gió to, trời hanh khô. Hoa nở trên đường cứ rũ xuống trước từng cơn gió lạnh. Cuối thu sương xuống, lá phong mới chuyển đỏ (sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa – lá trong sương đỏ hơn hoa tháng hai), mà bắt đầu đợi tuyết. Năm ngoái tuyết sớm, cuối tháng 10 đã có trận tuyết đầu tiên rồi, lá chưa kịp đỏ đã úa vàng. Năm nay chẳng biết thế nào…

Ở nhà mình, chắc là trời mát mẻ nhỉ? Cơn gió đầu mùa năm nay đã về hay chưa? Vỉa hè đường Phan Đình Phùng có trải đầy là vàng không? Trời thu xanh thẳm hay là đã xám lại và hanh hanh khô rồi? Vừa mới Trung Thu xong, lại nhớ chuối chín trứng cuốc với cốm làng Vòng. Lại nhớ hồng ngâm, hồng đỏ, bưởi Diễn cam Canh. Thấy nhớ cái đầu sư tử với mấy cái mặt nạ giấy ngày xưa thế. Bên này chăng đèn kết hoa, sáng rực cả thành phố, nhưng mà không thấy có chú chó làm từ múi bưởi, không thấy nhà ai cúng rằm rồi ngồi phá cỗ.

Đợi bao giờ lạnh hẳn đi, rồi lên đầu phố Láng Hạ ăn bát phở nhỉ… Phở Lý Quốc Sư chuyển về đấy, không biết năm nay bà cụ có còn xuống đôn đốc con cháu giữ nghề phở gia truyền ấy không. Có lần được một bác taxi giới thiệu và đưa xuống ăn phở xếp hàng ở Bát Đàn, nhưng mà cứ thích phở Lý Quốc Sư thôi (phở Thìn xa quá, chưa được ăn). Hình như mỗi người Hà Nội có quán phở riêng của mình. Lúc ngoài trời gió lạnh mưa phùn, đi xe máy tay chân lạnh cóng lại, ăn một bát phở, hay một bát bún ốc nóng thì chẳng còn gì bằng! Bên này bún bò được một bát bé tí, lèo tèo vài miếng thịt, mà nước nấu chắc chắn là không có hoa hồi, vỏ quế gì rồi.

Ôi, hình như từ nãy toàn ăn với uống thì phải… (mới uống nước phở, chưa uống cà phê trà chanh gì cả) Cuối thu đầu đông bên này, nó cứ lạ lạ… Hai năm nay và vài năm tới, sẽ thiếu đi nhiều thứ thân quen lắm. Tới cái gió cũng thấy xa xôihttp://static.mp3.zing.vn/skins/default/flash/player/mp3Player_skin7.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog/?Ny9iNS83YjU0YjmUsIC1MmM3NWY2YjmUsICwOWZlNmVkOWI1M2ZjMTM3YS5cUIbaBmUsICDN8TmjhdUng5sgTmUsICO5YSBUaHUgSMOgIE7hdUng5lpfFBpYW5vInagaMEfHRydWU

Sáng mát trong như sáng năm xưa宛如昔年的一个清晨

Hôm nay mùng 9 tháng 7 âm, ngày giỗ ông nội.

Sáng nay trời mát mẻ quá! Mưa rả rích hết cả sáng rồi. Hình như lâu lắm rồi mình mới ở giữa không khí như thế này. Một năm rồi thì phải nhỉ? Phải rồi, sang Bắc Kinh từ mùa thu năm ngoái mà. Bên đó thời tiết khô lắm. Có mấy khi mưa rả rích cả ngày thế này đâu? Có mấy khi lẫn trong gió lành lạnh là hơi nước ẩm ẩm mát mát thế này đâu? Rồi đến mùa đông tuyết phủ trắng trời, ra ngoài đường lỡ quên cái mũ len thì tai lạnh như sắp rụng ra mất. Rồi là mùa xuân xứ lạnh với những bông hoa nghênh xuân màu vàng nho nhỏ, hoa anh đào phớt hồng trong công viên Ngọc Uyên Đàm.

À phải rồi, ngày Tết thì mình ở trong nước, ở với cái rét mùa đông tê tái, đi trên cầu Long Biên mà nghe gió sông Hồng thổi kèm mưa bụi lất phất. Mình cũng thích mùa đông Hà Nội, nhưng với điều kiện là phải có đủ áo ấm kia!

Còn sáng nay, thời tiết nhẹ nhàng lạ thường. Tiết mưa ngâu đấy, 2 hôm trước chàng Ngưu ả Chức vừa gặp nhau xong. Ai bảo mỗi năm cho gặp nhau có một lần, rồi khóc rả rích mấy ngày chẳng thôi… Chắc đó là đôi vợ chồng hạnh phúc nhất thế giới – chứ chẳng phải đau khổ nhất thế giới – vì mỗi năm họ gặp nhau có một lần thôi. Nên ngàn năm nay chưa bỏ nhau!

Lại lan man rồi… Dạo này nhiều việc, nhiều thứ không chắc chắn nó làm mình sợ hãi, thấp thỏm quá. Tính mình làm việc giống Khổng Minh, không ưa mạo hiểm, nên mình không cần thần kinh kích thích cao độ như thế này. Sáng nay chạy lên sân thượng, hít thở cái không khí mát lành của tiết đầu thu Hà Nội, là tạm đủ để quên những lo lắng hiện tại. Hết ngày xá tội vong nhân thì mình đi luôn. Trung thu chắc chắn không ở nhà rồi, sẽ là một Trung thu không-bánh-dẻo nữa (bên Trung Quốc không có bánh dẻo, chỉ có bánh nướng). Năm nay còn tiếc hơn vì một lí do nữa: đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nhưng thôi, tạm bỏ cơ hội “ngàn năm có một” theo đúng nghĩa đen này, để lo việc học hành vậy!

Trong lúc chờ đợi, thì cứ tận hưởng nốt cơn mưa nhẹ sáng nay đi, có sáng nào mát trong như vậy…

Tán dóc một chút

CG

tranh chân dung

Thế là sắp kết thúc học kì thứ hai ở trường Nhân Dân rồi. Kế hoạch là trong ngày hôm nay (22-6) hoàn thành giáo án, hi vọng trong hôm nay và ngày mai hoàn thành bài tập Ngôn ngữ học xã hội. Trong ngày 24 có thể gửi bài của môn Lý luận và thực tiễn dạy học tiếng Hán đối ngoại. Vậy là cũng chỉ có ngày 24 và 25 nghỉ ngơi một chút, rồi lên đường về nước. Nghe nói Hà Nội mưa, mát trời. Có khi đến ngày mình về nước rồi Hà Nội lại nắng nóng!

Mấy hôm nay ngồi lì trong phòng làm bài tập, có khi vừa xem world cup vừa làm bài. Mọi ngày chiếu Tam Quốc bản mới thì cứ nhất quyết xem xong phim rồi làm bài, còn bóng đá thì không cần theo dõi sát sao lắm. Thực ra với mình thì có cũng được không có chẳng sao, từ lâu bỏ thói thức đêm xem world cup rồi. Trời thì oi bức, chẳng có hạt mưa nào, chỉ có mây đen với thỉnh thoảng có tiếng sấm. Thời tiết ở đây buồn cười thật. Muốn về nhà, mặc dù biết là sẽ nóng, sẽ muỗi, sẽ mất điện.

Hè này chắc cũng không “toàn tâm toàn ý” mà đi chơi được, vì thầy vứt cho 2 tập luận văn và 1 tờ tạp chí chuyên ngành, yêu cầu trong hè đọc nhiều tài liệu, tìm được đề tài. Năm sau phải có tên đề tài rồi. Mà thầy thì yêu cầu đề tài cần có đóng góp về mặt lý luận (hay ít ra cái tên đề tài nghe nó cũng phải có vẻ “lý luận”). Cố gắng trong hè làm được một “cơ sở dữ liệu”, sau này dùng. Có thể có cả ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp… Hơi sợ về từ vựng và ngữ pháp, vì mình không chắc (ngày xưa toàn trốn học và ngủ gật).

Thôi, đi làm bài tiếp, tán thế đủ rồi!

*Ảnh minh họa không liên quan gì đến bài viết. Dạo này thích CG thì đăng lên thôi. Bonus thêm bản nhạc, nghe nói Hà Nội mưa, tặng các bạn bài Rain paints pains.
http://static.mp3.zing.vn/skins/default/flash/player/mp3Player_skin2.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog/?ZC80NC9kNDRhNjA0ODdhYWYyNzAzNWVhZDmUsIC5YzVkMzY1YjI4Zi5cUIbaBmUsICDN8UmFpWeBiBwYWldUngdHMgmUsICGFpWeBnN8QWxleCB8dHJ1ZQ